Tổng quan thị trường bảo hiểm năm 2020

Tổng quan thị trường bảo hiểm năm 2020 08/02/2021 14:24:00 14818

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tổng quan thị trường bảo hiểm năm 2020

08/02/2021 14:24:00

Năm 2020 là một năm của những khó khăn và thách thức lớn về kinh tế, thương mại của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do sự bùng phát và lan rộng toàn cầu của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp và đơn giản hoá thủ tục hành chính,… đã giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đứng vững trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tính đến 31/12/2020, thị trường bảo hiểm có 69 doanh nghiệp KDBH (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 18 DNMGBH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

- Tổng tài sản năm 2020 ước đạt 556.669 tỷ đồng (tăng 20,4% so với năm 2019), trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng.

- Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH năm 2020 ước đạt 457.982 tỷ đồng (tăng 21,1% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 48.833 tỷ đồng; các DNBH nhân thọ ước đạt 409.149 tỷ đồng.

- Tổng dự phòng nghiệp vụ của các DNBH năm 2020 ước đạt 352.318 tỷ đồng (tăng 20,7% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 24.203 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 328.115 tỷ đồng.

- Tổng doanh thu phí năm 2020 ước đạt 182.654 tỷ đồng (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng (tăng 3,2% so với năm 2019), các DNBH nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6% so với năm 2019).

- Tổng nguồn vốn chủ sở hữu năm 2020 ước đạt 115.945 tỷ đồng (tăng 21,5% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 33.457 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng.

- Tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2020 ước là 45.675 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 20.560 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 25.115 tỷ đồng.

- Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2020 ước đạt 9.679 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2019). Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm năm 2020 ước đạt 880 tỷ đồng (tăng 17,8% so với năm 2019).

Bảo hiểm phi nhân thọ

Tính đến ngày 31/12/2020, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có 31 DNBH, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 9.301 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 16,9% thị phần. Tiếp đến là PVI với doanh thu ước đạt 7.547 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2019, chiếm 13,7% thị phần, PTI đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2019, chiếm 10,9% thị phần; Bảo Minh đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 3.864 tỷ đồng, giảm 0,3% so với năm 2019, chiếm 7,0% thị phần, PJICO đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 3.479 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2019, chiếm 6,3% thị phần.

Ngoài các DNBH dẫn đầu thị trường nêu trên, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao so với cùng kỳ năm 2019 như OPES (524 tỷ đồng, tăng 169,0%), VNI (1.650 tỷ đồng, tăng 39,8%), BSH (2.000 tỷ đồng, tăng 34,6%), Xuân Thành (494 tỷ đồng, tăng 31,9%).

Một số DNBH khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2019 là QBE (212 tỷ đồng; giảm 15,9%); AAA (193 tỷ đồng, giảm 11,5%); Samsung (992 tỷ đồng; giảm 7,6%).

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (17.551 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,9%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (17.322 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,4%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (7.101 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,9%), bảo hiểm cháy nổ (6.085 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,0%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (2.271 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1%).

Bồi thường

Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 ước khoảng 20.560 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,3%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2019 (39,0%).

22 DNBH phi nhân thọ và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 09 DNBH phi nhân thọ còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 01 DNBH có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Bảo Việt (59,7%). Riêng HDI mới thành lập nên tỷ lệ bồi thường cao.

Bảo hiểm nhân thọ

Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng có giảm so với năm 2019, tuy nhiên thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn đạt được kết quả tốt. Các doanh nghiệp bảo hiểm có tình hình tài chính lành mạnh. Kết quả cụ thể như sau:

Tổng số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: 18 doanh nghiệp;

- Tổng tài sản của các DNBH nhân thọ năm 2020 ước đạt 456.454 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2019;

- Tổng số tiền đầu tư năm 2020 ước đạt 409.149 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2019;

- Tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2020 ước đạt 328.115 tỷ đồng, tăng trưởng 22,6% so với năm 2019.

- Vốn chủ sở hữu năm 2020: Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2019. Trong đó, vốn điều lệ đạt 94.071 tỷ đồng (tăng thêm 27.953 tỷ đồng trong năm 2020: FWD tăng 11.499 tỷ đồng; Sun Life: 9.310 tỷ, Manulife: 3.400 tỷ; Generali: 1.600 tỷ, Bảo Việt nhân thọ 850 tỷ, Prudential: 825 tỷ, Aviva: 299 tỷ đồng, Phú Hưng: 170 tỷ đồng).

- Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm: Trong năm 2020, ước là 25.115 tỷ đồng (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm), tăng 10%.

- Khả năng thanh toán: Trong năm 2020, các doanh nghiệp nhân thọ đều có biên khả năng thanh toán cao hơn so với biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của pháp luật.

- Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2020 ước đạt 154.668 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2019. Trong đó: Tổng doanh thu phí ước đạt 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6% và doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 27.108 tỷ đồng, tăng 25,6%.

Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt khoảng 11,6 triệu hợp đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 61,9% tổng doanh thu phí tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp 25,9%; bảo hiểm tử kỳ 1%; bảo hiểm trọn đời, sinh kỳ, trả tiền định kỳ, sức khỏe 0,8%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ đóng góp 10,4% tổng doanh thu phí toàn thị trường.

Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm như sau: Bảo Việt Nhân thọ (21,9%), Prudential (18,6%), Manulife (16,5%), Dai-ichi (11,8%), AIA (11,4%), Chubb (3,1%), Generali (2,9%), Hanwha (2,6%), MB Ageas (2,6%), Aviva (2,3%), FWD (1,8%), Cathay (1,3%), BIDV MetLife (1%), Sun Life (1%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.

Môi giới bảo hiểm

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động là 18 doanh nghiệp, trong đó: có 02 doanh nghiệp mới được cấp phép hoạt động trong năm 2020 (Pan Asia, LK), 01 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh và không phát sinh doanh thu trong năm 2020 (Thái Bình Dương), 01 doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ năm 2008 (Đại Việt).

Kết quả hoạt động của lĩnh vực môi giới bảo hiểm năm 2020 (ước tính) như sau:

- Tổng tài sản của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ước đạt 1.142 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2019. Nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ước đạt 467 tỷ đồng, tăng 47,3% so với năm 2019.

- Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2020 ước đạt 9.679 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 7.019 tỷ đồng, tăng 16,1%, phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.660 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2019.

Hoạt động môi giới bảo hiểm được thực hiện trên tất cả các nghiệp vụ, trong đó thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (chiếm tỷ trọng 78,3% tổng phí thu xếp) và bảo hiểm sức khỏe (chiếm tỷ trọng 21,3% tổng phí thu xếp); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu nghiệp vụ của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (chiếm tỷ trọng 0,4% tổng phí thu xếp). Tương tự như các năm trước, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại vẫn là nghiệp vụ chính trong hoạt động của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (chiếm tỷ trọng 52,7% tổng phí bảo hiểm thu xếp).

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần chủ yếu với tỷ lệ 92,5%, các doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần 7,5%. 03 doanh nghiệp có thị phần lớn xếp theo thứ tự là Aon, Marsh, Willis Tower Watsons (tổng thị phần là 85,9%).

Tổng doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp MGBH năm 2020 ước đạt 962 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Hoa hồng môi giới bảo hiểm năm 2020 ước đạt 880 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2019); tổng doanh thu phí dịch vụ ước đạt 67 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019); doanh thu tài chính và khác ước đạt 15 tỷ đồng. Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm trên phí bảo hiểm thu xếp bình quân là 9,09%.