Ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu trong năm 2019

Ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu trong năm 2019 10/05/2019 09:41:00 288

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu trong năm 2019

10/05/2019 09:41:00

Ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu trong năm 2019

(ĐTCK) Kể từ khi có cơ chế xử lý nợ xấu là Nghị quyết 42/2017/QH14, nhiều ngân hàng đã và đang mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để có thể chủ động xử lý, qua đó giảm trích lập dự phòng rủi ro. Xu hướng này ngày một mở rộng khi phần lớn các ngân hàng đều đạt lợi nhuận cao trong những năm qua.

Nhiều ngân hàng rốt ráo mua lại nợ

Trong mùa Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) 2019, nhiều ngân hàng lần lượt công bố kế hoạch mua lại nợ, tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) - trong năm nay, cũng như các năm tiếp theo.

Ðơn cử, TPBank cho biết, dự kiến năm 2019, Ngân hàng sẽ mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu VAMC tùy theo mức độ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế để xử lý.

Tại BIDV, đại diện nhà băng này cho hay, sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội - ngoại bảng và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.

VPBank cũng muốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2019, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Theo đó, VPBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2019 ở mức khiêm tốn 9.500 tỷ đồng đồng, tức chỉ tăng 3% so với năm 2018. Tương tự, Kienlongbank đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trước ngày 31/12/2019.

Tính đến nay, có 6 ngân hàng công bố đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC là Vietcombank, Techcombank, ACB, MB, VIB và OCB. Trong đó ngoại trừ OCB, 5 ngân hàng còn lại đã tất toán hết trái phiếu VAMC.

Với Eximbank, Ngân hàng dự kiến từ nay cho đến năm 2020 sẽ mua lại hết nợ đã bán cho VAMC theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Eximbank dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC trong năm nay là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước; còn sau trích lập, lãi trước thuế là 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Theo các chuyên gia, việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận đủ dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về.

Thực tế, việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng bị “bào mòn” những năm trở lại đây. SCB đang trong quá trình tái cơ cấu nên phần lớn lợi nhuận dành để trích lập dự phòng rủi ro. Kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu đến nay, SCB đã xử lý được lượng nợ xấu khá lớn. Riêng năm 2018, SCB đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu và hiện còn nắm giữ lượng trái phiếu VAMC giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Năm 2019, SCB đặt mục tiêu xử lý từ 4.000-5.000 tỷ đồng nợ xấu. 

Lượng trái phiếu VAMC cần xử lý vẫn lớn

Ðể thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN, NHNN đã lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, trong đó có nội dung quan trọng quy định các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu được thanh toán.

Trước đó, vào tháng 10/2013, VAMC nhận mua lại nợ xấu các TCTD, nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm. Do đó, thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ ngay cho những khoản nợ xấu hoặc một tỷ lệ cao hơn 20% tuỳ vào mức độ quá hạn của mỗi khoản nợ xấu bán sang VAMC như thông thường, các ngân hàng được trích lập dự phòng mỗi năm 20% trong 5 năm.

Thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán cho thấy, tính đến cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt đang nắm giữ lên tới 126.700 tỷ đồng, chỉ giảm 0,5% so với cuối năm 2017. Nếu tính toàn bộ các ngân hàng, con số nợ sẽ lớn hơn đáng kể.

Thông tin về nợ xấu, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HÐQT Sacombank cho biết, sau 2 năm tái cơ cấu, Ngân hàng đã xử lý và giảm được trên 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Cụ thể, năm 2017, Sacombank xử lý được 20.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đặt ra; năm 2018 xử lý được 13.000 tỷ đồng trong mục tiêu 15.000 tỷ đồng; năm 2019 lên kế hoạch xử lý 10.000-15.000 tỷ đồng nợ xấu và đã xử lý được 5.000 tỷ đồng khi kết thúc quý đầu năm.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế - tài chính, các ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Ðây là bước tiến đáng kể trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ hệ thống TCTD, nhất là với những ngân hàng có lượng nợ xấu lớn. Dù vậy, quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

"Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời tạo cơ chế cho việc xử lý nợ xấu, nhưng đó mới là điều kiện cần. Ðể kết quả xử lý nợ xấu tích cực hơn, cần thêm điều kiện đủ là sự phối hợp đồng bộ, xuyên suốt của các bên, từ ngân hàng, con nợ, đến các bên liên quan như chính quyền địa phương, tòa án, cơ quan an ninh…", vị chuyên gia trên nhìn nhận.

Vân Linh