Chuyện “Tây mua Ta” và “Ta mua Tây” ngành bảo hiểm

Chuyện “Tây mua Ta” và “Ta mua Tây” ngành bảo hiểm 18/02/2016 14:38:00 1874

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chuyện “Tây mua Ta” và “Ta mua Tây” ngành bảo hiểm

18/02/2016 14:38:00

Chuyện “Tây mua Ta” và “Ta mua Tây” ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, năm 2015 chứng kiến không ít chuyến công du tới Việt Nam của lãnh đạo nhiều tập đoàn tài chính- bảo hiểm lớn. Họ đến tìm cơ hội đầu tư, mua cổ phần của DN Việt, nhưng từ 10 năm trước, đã có chuyện “Ta mua Tây” trong khối DN ngành này…

Vốn ngoại năm 2015 của thị trường bảo hiểm

3 thương vụ điển hình làm nên sự sôi động trong chuyển dịch cổ phần của ngành bảo hiểm trong năm 2015 ở cả 2 khối bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ đó là Dong Bu Hàn Quốc mua 30 triệu cổ phần PTI trị giá 1.077 tỷ đồng; Fairfax Canada mua hơn 41 triệu cổ phiếu BIC (chiếm 35%), Sunlife Canada nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 49% lên 75% tại PVI Sunlife.

Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, năm 2015 chứng kiến không ít chuyến công du tới Việt Nam của nhiều tập đoàn tài chính- bảo hiểm lớn. Những chuyến đi này có thể mang tính xã giao, nhưng cũng có thể để khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, thăm dò thị trường ở cấp quốc gia để tiến tới sự hiện diện thương mại tại thị trường bảo hiểm Việt Nam vào một tương lai không xa.

Các lãnh đạo Tập đoàn Prudential (Anh quốc), Tập đoàn bảo hiểm Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn MetLife (Hoa Kỳ), QBE châu Á Thái Bình Dương… đều khẳng định cam kết lâu dài đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng như mong muốn góp phần dựng xây dựng đất nước này.

Một diễn biến đáng ghi nhân khác trên thị trường bảo hiểm nhân thọ 2016 là việc lần đầu tiên các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia mua trái phiếu chính phủ thời hạn 20 năm với giá trị lớn. Dẫn đầu là Prudential mua 3.200 tỷ đồng trong tổng số 6.000 tỷ đồng. Sự kiện được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện của ngành này trong năm 2015 (theo AVI). Cần nói thêm rằng, không tính Bảo Việt Nhân Thọ (do là DN nội), việc đầu tư trên có được là nhờ có các công ty mẹ là tập đoàn tài chính - bảo hiểm nước ngoài như Prudential, AIA… tham gia rót vốn đầu tư.

Trong bức tranh toàn cảnh về ngành, cũng có ý kiến xét rằng, ví độ hấp dẫn trong thu hút dòng vốn ngoại/dòng vốn lớn trong nước, thị trường bảo hiểm được xem là “một cô gái đẹp nhưng còn kém duyên”. Sở dĩ ví von như vậy vì thị trường bảo hiểm khá tiềm năng và tạo được nhiều điểm nhấn trong tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015, nhưng các mối duyên lành còn khá thưa thớt. Ngoại trừ việc bán vốn cổ phần của BIC, PTI kể trên, trong suốt 6 năm qua (kể từ DNBH thứ 29 được lập năm 2010 là Cathay Việt Nam), chưa có bất cứ DNBH nước ngoài nào được lập mới.

Trong khi với khối nhân thọ, ngoài liên doanh bảo hiểm với nước ngoài là BIDV Metlife được lập mới năm 2014 thì đến trung tuần tháng 8/2015 cũng chứng kiến cái bắt tay giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với Tập đoàn Bảo hiểm Ageas (AGEAS, Vương quốc Bỉ) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai (MTL, của Thái Lan) ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life. Nếu thành công, đây sẽ là công ty bảo hiểm nhân thọ thứ 18 hoạt động tại Việt Nam.

Ấn tượng về cổ đông ngoại

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC) tại Hà Nội hôm 7/1/2016, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng BIDV (BIDV là cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối tại BIC) cho biết, ông khá ấn tượng về quá trình phát triển cũng như việc đầu tư hoàn thiện, chuyên nghiệp của Tập đoàn Fairfax (Fairfax Financial Holdings).

Đây là nhà đầu tư/kinh doanh bảo hiểm lớn có trụ sở tại Canada. Trong đó, một công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Tập đoàn này là Fairfax Asia Limited đã ký hợp đồng mua 35% cổ phần của BIC (tương đương 41.046.913 cổ phần) để trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất tại BIC từ tháng 5/2015. Giao dịch này cũng vừa chính thức hoàn tất vào đầu tháng 1 năm 2016.

“Tôi ấn tượng về 30 năm phát triển cũng như việc đầu tư của Tập đoàn Fairfax tại thị trường các nước. Tính đến năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm của Tập đoàn này đã lên tới 10 tỷ USD, tổng tài sản 37 tỷ USD. Đặc biệt, trong suốt 30 năm qua, mức tăng trưởng đạt được của Tập đoàn này luôn duy trì ở mức năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng trưởng bình quân trên 22%/năm”, ông Hà nói và khẳng định, có lẽ trên thế giới chưa có tập đoàn bảo hiểm nào có thể đạt được mức độ tăng trưởng ấn tượng như vậy.

Đưa ra minh chứng về tính hiệu quả trong đầu tư/kinh doanh bảo hiểm, ông Hà cũng viện dẫn 2 ví dụ điển hình mà Tập đoàn này đã đạt được tại Ấn Độ và Singapore.

“Năm 2001, FairFax đã hợp tác với một ngân hàng ở Ấn Độ để lập công ty bảo hiểm và giờ đã đứng đầu về thị phần tai quốc gia này. Cách đây 10 năm, Tập đoàn này cũng đã mua công ty bảo hiểm yếu nhất Singapore, hoạt động không hiệu quả và trên bờ vực phá sản, nhưng nay đang dẫn đầu thị trường bảo hiểm nước này”, ông Hà chia sẻ. “Đây chính là lý do khiến BIC và Fairfax lựa chọn và đến với nhau (trở thành cổ đông chiến lược- PV), ông Hà nói.

“Cá nhân tôi cũng như lãnh đạo BIDV tin tưởng với định hướng chỉ đạo, đồng hành của hệ thống BIDV và sự hỗ trợ của FairFax, BIC sẽ hiện thực hóa mục tiêu đứng trong Top 5 thị trường về cả thị phần và hiệu quả hoạt động thông qua những hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện mô hình quản trị theo chuẩn quốc tế, nâng cao xếp hạng tín nhiệm, hiệu quả đầu tư và quản trị rủi ro, trở thành thương hiệu bảo hiểm lớn tại Việt Nam và khu vực”.

Tại một DN bảo hiểm khác – PVI, Chủ tịch HĐQT PVI Nguyễn Anh Tuấn trong chia sẻ với ĐTCK về việc chuyển nhượng bớt 25% vốn cho Sunlife, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của đối tác ngoại từ 49% lên 75% tại PVI Sunlife đã cho rằng, Sun Life là một Tập đoàn lớn, có kinh nghiệm toàn cầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và tin tưởng nhờ đó sẽ cung cấp các giải pháp tài chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ và mảng bảo hiểm hưu trí.

“Ta mua Tây"- đó là cả quyết định đầu tư mạo hiểm

Từ những thương vụ “Tây mua Ta” như trên, ông Trần Bắc Hà hồi tưởng về quyết định đầu tư mạo hiểm ở thế ngược “Ta mua Tây” khi cách đây 10 năm (vào năm 2005), BIDV đã mua lại phần vốn góp của QBE (50% vốn điều lệ) trong Công ty liên doanh bảo hiểm Việt- Úc để thành lập BIC như ngày hôm nay. Còn QBE tách ra khỏi liên doanh, mua lại Công ty TNHH bảo hiểm Allianz Việt Nam, trở thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, hiện là QBE Việt Nam.

“Trước đó, năm 1999, cái bắt tay hợp tác giữa BIDV và QBE trong thành lập Công ty liên doanh Bảo hiểm Việt- Úc đã mở ra một mô hình hoàn toàn mới, khởi động cho liên minh ngân hàng - bảo hiểm vốn đã rất thịnh hành trên thế giới. Sau 6 năm hợp tác, đến năm 2005, tôi, với tư cách là Tổng giám đốc BIDV khi đó đã đưa ra quyết định mua lại phần vốn góp của QBE trong liên doanh này. Lúc đó, BIDV là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên mua lại vốn góp của nước ngoài trong thị trường tài chính theo kiểu “Ta mua Tây”. Có người coi đó là quyết định đầu mạo hiểm - không lượng được sức mình”, ông Hà nói.

Từ vị trí thứ 17 về thị phần năm 2005, chỉ sau 3 năm BIC đã nhanh chóng lọt vào Top 6 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu về thị phần với tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường, từ 50 - 60%/năm. Đối với BIDV, dù giá trị tuyệt đối BIC đóng góp cho hệ thống trong giai đoạn đầu chưa nhiều, nhưng BIC đã góp phần tăng thêm giá trị cho khách hàng, xây dựng điểm tựa tài chính cho cả hệ thống BIDV. Thực tế này cũng đồng thời khẳng định quyết định mua lại vốn góp từ QBE là đúng.

“Ta mua Tây” đâu có gì lạ nhỉ và tại sao không tiếp tục để đa dạng hóa cách lớn mạnh của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam?

Kim Lan

Nguồn: www.tinnhanhchungkhoan.vn